Nhà Bống
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

[Mạnh Hải] Kỳ 5: Trịnh Công Sơn - Hồng Nhung: Tình yêu và âm nhạc

Go down

[Mạnh Hải] Kỳ 5: Trịnh Công Sơn - Hồng Nhung: Tình yêu và âm nhạc Empty [Mạnh Hải] Kỳ 5: Trịnh Công Sơn - Hồng Nhung: Tình yêu và âm nhạc

Bài gửi by NgocBlue Fri Dec 31, 2010 12:23 am

“Bống này! Bống là ai?” …”Người quá gần gũi không biết phải gọi là ai?” …Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn luôn tự đặt câu hỏi cho mình về Bống …Mười năm gắn bó với nhạc sỹ và 18 năm hát nhạc Trịnh Công Sơn là bước ngoặt lớn nhất trong sự nghiệp 25 năm ca hát chuyên nghiệp của Hồng Nhung.

…Bống bồng ơi – Xanh và chín, Sớm và muộn…

Ngay Bống cũng không nhớ rõ chính xác ngày đầu tiên gặp gỡ Trịnh Công Sơn tại nhà nhạc sỹ Thanh Tùng ở Sài Gòn, chỉ nhớ vào khoảng cuối năm 1991, ngồi bên đàn cùng bạn bè, Bống ngân nga “Lặng lẽ nơi này”:

Tình yêu mật ngọt, mật ngọt trên môi
Tình yêu mật đắng, mật đắng trong đời
Tình yêu như biển, biển rộng hai vai
………..
Em đi về nơi ấy, nơi đâu, nơi đâu
Làm sao ru được tình vơi
À ơi, nỗi đau này người.


Nghe Bống hát, nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã tiến lại gần xắn tay áo cho Bống, rồi hát “Lặng lẽ nơi này” để Bống hát theo, khỏi sai lời và sai nhạc. Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn vốn rất thích mọi thế hệ, nhất là phụ nữ gọi mình là “anh”, khi Bống chào nhạc sỹ bằng chú, Trịnh Công Sơn vẫn đùa lại bằng câu quen thuộc anh hay sử dụng: “Đâu có bà con chi mà chào chú, chỉ có anh thôi!”. Từ Cẩm Vân, Ánh Tuyết đến Mỹ Linh, Thanh Lam…đều gọi nhạc sỹ bằng anh, nhạc sỹ hồn nhiên lý giải: “Gọi “anh” chứng tỏ mình lịch sự, dễ thương như một người không có trí nhớ về tuổi tác”. Hồng Nhung còn quen gọi nhạc sỹ Trịnh Công Sơn bằng “cậu”.

Sau lần gặp đầu tiên, Hồng Nhung và Trịnh Công Sơn trở nên thân thiết và Bống bắt đầu hát nhạc Trịnh Công Sơn với một phong cách hiện đại, mới mẻ. Năm 1993, album nhạc Trịnh “Hồng Nhung - Bống bồng ơi” ra mắt đã trở thành một sự kiện, bước ngoặt không chỉ với sự nghiệp ca hát của Hồng Nhung mà còn gây xôn xao dư luận và giới yêu nhạc bấy giờ. Album “Bống bồng ơi” là cầu nối chuyển giao của thế hệ Khánh Ly sang thế hệ Hồng Nhung, khơi thông mạch chảy có “linh hồn” cho dòng nhạc Trịnh trong đời sống âm nhạc Việt sau năm 1975.

Album “Bống bồng ơi” được nhạc sỹ Bảo Phúc biên tập và thực hiện. Những ngày thu âm là thời gian tràn đầy kỷ niệm của bộ ba Trịnh Công Sơn – Bảo Phúc – Hồng Nhung, Bống nhớ lại: “Chúng tôi thu âm ở một Nhà hát cũ thuộc quận 3. Muốn vào đến nhà hát cũ, phải gửi xe ở ngoài, đi qua một cái chợ náo nhiệt, nào rau, nào cá…Bước vào nhà hát, tiếng ồn mất hẳn, dò bước lên cậu thang cũ kỹ, chúng tôi bước vào phòng thu nhưng im lặng như đêm. Chung quanh chỉ có âm nhạc và tiếng ca”.

11 ca khúc trong album Bống bồng ơi, có nhiều bài hát lần đầu tiên được ra mắt như: Bống bồng ơi, Còn mãi tìm nhau, Còn ai có ai, Đường xa vạn dặm…khi thu âm ca khúc “Bống bồng ơi” mà Trịnh Công Sơn viết tặng Bống, nhạc sỹ nắm chặt tay Bống, còn Bống cứ thế khắc khoải, phiêu linh trong những cảm xúc thăng hoa với: “Nắng vàng, em đi đâu mà vội…”. Có một kỷ niệm với nhạc sỹ Bảo Phúc, Bống chia sẻ: "Tôi nhớ có lần, anh mất nhiều thời gian để viết hòa âm cho một bản nhạc. Vừa viết xong, anh lập tức liên lạc với tôi và anh Sơn để nghe thử. Ba chúng tôi đón nhau ngoài đường, chui ngay vào trong xe và cứ im lặng nghe đi, nghe lại”.

Album “Bống bồng ơi” được khán giả đón nhận nồng nhiệt, Hồng Nhung được ví như một Khánh Ly thuộc thế hệ khác nhưng cô Bống có một cá tính hoàn toàn độc lập, khác hẳn Khánh Ly khi hát nhạc Trịnh. Hàng trăm bài báo, phỏng vấn về Trịnh Công Sơn và Hồng Nhung được đăng tải trong thời gian này. Năm 1994, tạp chí Le Monde nổi tiếng của Pháp viết bài về Trịnh Công Sơn và đưa ảnh Hồng Nhung lên báo. Có một nhà báo rất đặc biệt là PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, cô là người có hàng loạt bài viết dành riêng cho giọng hát Hồng Nhung với âm nhạc Trịnh Công Sơn đăng tải suốt 2 thập niên qua, với cái nhìn có tính chất nghiên cứu, khám phá được nhiều góc cạnh nghệ thuật có tính gai góc về vẻ đẹp nhạc Trịnh qua tiếng hát Hồng Nhung. Xin được trích dẫn một vài đoạn nhỏ trong một bài viết của cô:

“Tôi cũng là một kẻ thủ cựu trong số những người trọng thị những giá trị đã vang bóng một thời, không chịu đổi thói quen cố hữu về một vùng giai điệu âm nhạc không thể nào quên, trong đó gắn chặt một trùng phùng: nhạc phẩm Trịnh Công Sơn và chất giọng quyến rũ của Khánh Ly. Nhưng thói quen ấy đã chớm những vết rạn đầu trong một cuối chiều rớt bão, không khí Sài Gòn se nhẹ sau mưa tháng 10 âm lịch, nghe cô ca sĩ bé bỏng Hồng Nhung hát Gọi nắng ở quán Nhạc sỹ và thấy Trịnh Công Sơn ngồi đợi nắng về trong giọng hát Hồng Nhung, với đôi mắt mờ lệ sau cặp kính trắng, ở chỗ quen thuộc của anh bên trái sân khấu…

Dường như có một cuộc trùng phùng kì lạ đã xảy ra giữa Trịnh Công Sơn nhạc sĩ với Hồng Nhung ca sĩ, như phảng phất một tái sinh lần nữa cuộc hội ngộ với Khánh Ly, mà 'I'rịnh Công Sơn đã tưởng là không thể hồi âm…. Một xanh một chín, một sớm một muộn đã kết hợp lại trong một cuộc tri ngộ âm nhạc hồn nhiên - vượt qua cả sự cách trở về thế hệ và sự trải nghiệm cuộc đời

Giọng hát vừa đam mê, bạo liệt vừa trong sáng, đẫm tình cùng những xử lí âm thanh điệu nghệ của ca sĩ Hồng Nhung đã lạ hóa những giai điệu buồn buồn, quen lối đi về trong nhạc Trịnh, tự do không bị gò trong khuôn khổ kỹ thuật cứng nhắc của Hồng Nhung, đã lôi kéo những nỗi niềm ưu tư, trễ nải mang âm tính "như loài sâu ngủ quen trong tóc chiều" của Trịnh Công Sơn sang một khu vườn cây xanh cỏ lạ tươi tốt dưới trận mưa hồng của những niềm vui dương tính.

Chắc chắn, ta có thể thấy Trịnh Công Sơn thật sự trẻ lại trong một tinh thần âm nhạc mới qua giọng hát mang vẻ đẹp duy lý, cứng cỏi và mãnh liệt của Hồng Nhung, cùng một chất giọng riêng Hà Nội sâu lắng, tình cảm và phong nhã chỉ có ở một giọng hát đã được sinh ra và lớn lên trong vòng tay đầy tình thương mến của Hà Nội. Trong trường hợp này, Trịnh Công Sơn là người hạnh phúc nhất, bởi những ca khúc của anh - thân phận âm nhạc của anh - đã được chiêm nghiệm, phát sáng ở một thế hệ khác...”.

Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn từng chia sẻ: “Sau Khánh Ly, tôi may mắn tìm được Hồng Nhung, với ca khúc của tôi, Nhung có nhiều sự đồng cảm”. Nhà văn Bửu Ý trong một người bạn thân của nhạc sỹ, viết trong cuốn “Trịnh Công Sơn – Một nhạc sỹ thiên tài”: “Sơn biết ca sĩ Hồng Nhung từ những đầu những năm 90 khi cô theo bố vào Sài Gòn và học ở Đại học Tổng hợp khoa Anh. Đây là một thiếu nữ duyên dáng, thông minh, có giọng ca tròn và ngọt, phát âm và luyến láy tài tình…Trịnh Công Sơn vui mừng gặp được một giọng ca thể hiện trọn vẹn ý tình của mình trong ca khúc như Khánh Ly trước đây”.

…18 năm Bống hát nhạc Trịnh Công Sơn…

Hồng Nhung trước khi hát nhạc Trịnh, Bống đã là một ngôi sao nhạc trẻ trên sân khấu ca nhạc phía Bắc cuối thập niên 80 (XX) với các ca khúc từng làm mưa gió một thời như: Papa, Lời của gió, Nhớ về Hà Nội. Khi vào Sài Gòn may mắn gặp nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, cô hát nhạc Trịnh như một bước ngoặt trong sự nghiệp ca hát và được khán giả phương Nam đón nhận. 18 năm hát nhạc Trịnh Công Sơn, Bống đã thu âm và biểu diễn gần 100 ca khúc nhạc Trịnh, trong đó có 3 album và 2 live show độc diễn nhạc Trịnh Công Sơn, cùng một album và live show nhạc Trịnh Công Sơn chung với ca sỹ Quang Dũng.

Bống ghi dấu tên tuổi của mình với nhạc Trịnh Công Sơn theo cách riêng, rất đặc biệt và trên con đường tìm kiếm một vị trí riêng trong địa hạt nhạc Trịnh là một lộ trình gian nan, đầy thử thách mà Bống đã vượt qua được bằng tài năng và tình yêu dành cho âm nhạc Trịnh Công Sơn.

Mối quan hệ thân thiết với nhạc sỹ đã giúp Bống có thể hiểu sâu sắc hơn hoàn cảnh ra đời, nội dung ca từ, tư tưởng nghệ thuật mỗi bài hát, bao nhiêu câu hỏi: “Tại sao ?” luôn được Bống đặt ra với nhạc sỹ họ Trịnh, anh thong thả giải thích và đôi khi còn đùa Bống: “Moa (tôi) còn không hiểu làm sao toa (bạn) hiểu”. Bống đã hát theo cảm nhận của mình, cách xử lý riêng nhưng không làm mất đi tinh thần bài hát, Trịnh Công Sơn từng chia sẻ: “Nhung đã thổi luồng gió mới vào các ca khúc của tôi, Nhung đã có cách xử lý riêng, rất nghệ sỹ”.

Hồng Nhung luôn biết tạo dấu ấn đặc biệt trong nhiều ca khúc nhạc Trịnh Công Sơn , “không giống ai và không để ai giống mình” nhưng cái cốt lõi là vẫn giữ được hồn tinh khôi cho nhạc Trịnh. Đơn cử một sáng tạo của Hồng Nhung với “Ru tình”, ca khúc này được Hồng Nhung thu âm năm 1996 nhưng chưa tạo dấu ấn mạnh với lối hát chân phương, đến năm 1998 trong chương trình “Trịnh Công Sơn – Dấu chân không năm tháng” chị đã sáng tạo bằng lối “hát nói” cùng việc xây dựng cả một đoạn phiêu độc đáo, ngân dài chữ “u” kết hợp với saxophone đầy chất Jazz của Trần Mạnh Tuấn – người bạn có cùng đam mê nhạc Trịnh.

Sự sáng tạo này đã được khán giả rất thích thú vì nó bộc lộ được cảm xúc, nhiều tràng pháo tay không dứt dành cho chị mỗi khi hát và phiêu “Ru tình” trong bất cứ chương trình nào. Kỹ thuật và cảm xúc, chất lửa và khả năng sáng tạo đưa “Ru tình” đạt đến đỉnh cao, trở thành một dấu ấn khó phai và không thể có ca sỹ nào hát “Ru tình” theo cách Hồng Nhung.

Đỉnh cao trong sự nghiệp hát nhạc Trịnh Công Sơn của Hồng Nhung phải kể đến tác phẩm “Đóa hoa vô thường”, một bản trường ca dài và đặc sắc nhất của âm nhạc Trịnh Công Sơn mà Hồng Nhung là người thể hiện thành công nhất. Nghe Hồng Nhung hát Đóa hoa vô thường “đắm đuối, dịu dàng, phiêu du, quặn thắt nhưng lại thấy bình yên. Cả một dòng suối âm thanh ngồn ngộn, đau đáu. Cả một dòng chảy khôn cùng của thời gian và cuộc đời, của lòng người không biết đâu là bến bờ…khó ai có thể hát Đóa hoa vô thường ám ảnh đến thế”. Đóa hoa vô thường ra đời từ thập niên 70 nhưng đã tỏa sáng với giọng hát Hồng Nhung ở nửa cuối thập niên 90 (XX) vào thời hoàng kim của nhạc trẻ Việt, Hồng Nhung đã đưa ca khúc liên tiếp trụ hạng và dẫn đầu bảng xếp hạng “Topten Làn Sóng Xanh” – một giải thưởng có tính đại chúng nhất bấy giờ.

Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn năm 1995 từng chia sẻ: “Hồng Nhung làm mới lại các ca khúc của tôi. Có người thích, có người không thích. Tuy nhiên, tôi thích vì đó là cách biểu hiện mới, phù hợp với cái tiết tấu của thời đại – một sự lãng mạn mới. Nó giúp mình có được chỗ ngồi trong hiện tại, chứ không phải kẻ nhắc tuồng từ quá khứ”.

Trong thế hệ của mình, Hồng Nhung là người có công đi đầu trong việc hát nhạc Trịnh Công Sơn với một phong cách hiện đại và quảng bá nhạc Trịnh đến công chúng trẻ rộng rãi, một việc không ca sỹ nào làm được như Hồng Nhung là đưa hàng loạt các ca khúc của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn lọt vào bảng xếp hạng Làn Sóng Xanh (1997 – 2003): Đóa hoa vô thường, Tôi ơi! Đừng tuyệt vọng, Ru tình, Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui…Đồng thời, chị cũng là ca sỹ duy nhất ở Việt Nam hiện nay, có 3 live show nhạc Trịnh Công Sơn và là một trong những tên tuổi không thể thiếu trong cd, vcd, dvd cùng các live show nhạc Trịnh Công Sơn được tổ chức quy mô hàng năm như: Như một lời chia tay, Đêm thần thoại, Rơi lệ ru người, Ru tình, Dấu chân địa đàng…

Không chỉ hát duy nhất nhạc Trịnh Công Sơn, Hồng Nhung còn thành công với nhiều dòng nhạc và thể loại âm nhạc. Tuy nhiên, âm nhạc Trịnh Công Sơn luôn được Hồng Nhung dành cho một vị trí chủ đạo trong từng giai đoạn của sự nghiệp. Không ra album nhạc Trịnh Công Sơn ào ạt như các ca sỹ khác mà Hồng Nhung có sự chuyên sâu trong từng mảng ca khúc.

Với tình ca, Hồng Nhung đã hát, đã sống hết mình với những bài tình ca của Trịnh Công Sơn suốt 18 năm qua. Từ album Bống bồng ơi (1993) đến album và live show Như cánh vạc bay (2006), Hồng Nhung đã phác họa đầy nhất hành trình chân dung của một người thiếu nữ trẻ trung, tràn đầy năng lượng đến một người phụ nữ từng trải, lẻ loi như cánh vạc đi giữa cuộc đời cầu xin tình yêu nhưng rất nữ tính, trong sáng và không bi lụy.

Sự tinh tế đến từng hơi thở, cảm xúc liti nhất của người hát cũng được bộc lộ đã khiến khán giả đến với chương trình “Như cách vạc bay” lặng người đi vì xúc động với 16 ca khúc nối tiếp nhau không một lời giới thiệu. Hồng Nhung đã hát tình ca của Trịnh Công Sơn mới hơn, đằm sâu hơn. Những bản thu của album Như cánh vạc bay, Hồng Nhung hát với sự thể hiện rất mới, chị hát nhẹ và đơn giản đến mức lời ca phả ra như sương khói, kỹ thuật nhường chỗ cho tình cảm đơn sơ, mộc mạc, nữ tính.

Hồng Nhung rất thông minh trong cách xử lý khác nhau giữa bản thu album và trong live show Như cánh vạc bay. Sân khấu bao giờ cũng đòi hỏi sự kịch tính và người nghệ sỹ giỏi phải đẩy được cảm xúc người nghe lên đến cao trào. Đơn cử, “Tôi ru em ngủ” và “Ru em từng ngón xuân nồng” trong live show đã được Hồng Nhung hát bằng sự ào rì rầm, tự sự của sóng biển nhưng lại có những đợt sóng dâng trào bằng đoạn phiêu linh mạnh mẽ, cồn cào niềm thương nhớ. Sự chuyên nghiệp, bài bản trong việc xây dựng kịch bản nội dung chương trình, cho đến thiết kế sân khấu, trang phục, cùng sự sáng tạo trong cách xử lý bài hát và cảm xúc đã khiến “Như cánh vạc bay” trở thành một dấu ấn sâu đậm nhất trong sự nghiệp hát nhạc Trịnh của Hồng Nhung.

Trong mảng những ca khúc viết về triết lý đời sống và thân phận con người cũng được Hồng Nhung ghi dấu ấn đặc biệt với album và live show “Thuở Bống là người” (2003). Album được nhạc sỹ Trịnh Công Sơn lên ý tưởng và biên tập vào năm 2000, 11 ca khúc đều mang thông điệp cuộc sống mang tính định mệnh nhưng đầy tính nhân bản: Để gió cuốn đi, Xa dấu mặt trời, Cũng sẽ chìm trôi, Cỏ xót xa đưa, Bên trời hiu quạnh…album chưa kịp ra mắt thì nhạc sỹ mất, Hồng Nhung cùng nhạc sỹ Bảo Phúc, Trần Mạnh Tuấn đã hoàn thành album như một di nguyện của nhạc sỹ.

Có lẽ sự ra đi quá đột ngột của nhạc sỹ đã khiến Hồng Nhung hát nồng nàn, day dứt, phiêu linh hơn trong từng ca khúc khiến người nghe xúc động và yêu thích nhiều bài hát được coi là lạ và ít phổ biến của Trịnh Công Sơn lúc bấy giờ, “một khoảnh khắc nào đó trong ngày, khi tâm hồn lắng lại, những âm thanh trong cd này sẽ dẫn đường đưa người nghe du mục trong cõi nhạc Trịnh Công Sơn với những nỗi niềm mà bất cứ ai cũng có thể soi vào..”. Nhiều bài hát trong album đã lọt vào các bảng xếp hạng âm nhạc, từ “lạ” trở thành “quen thuộc” với đông đảo công chúng và album “Thuở Bống là người” vẫn được tái bản đều đặn trong những năm qua, album nhạc Trịnh Công Sơn hay, càng về sau càng có giá trị.

Dấu ấn đẹp nhất trong sự nghiệp hát nhạc Trịnh Công Sơn là đêm nhạc “Thuở Bống là người” tại Bình Quới vào đúng ngày sinh nhật Bống (15 – 3 -2003) với sự tham dự của 5 ngàn khán giả. Những ngả đường, ngõ dẫn vào “Hội ngộ quán” trải đầy rơm vàng, khán giả đông đảo đến với đêm nhạc của Bống trong trật tự, lịch sự và lắng nghe.

Sân khấu được thiết kế rất đặc biệt, Hồng Nhung đứng hát trên ngọn đồi nhỏ phủ đầy rơm, phía trước là một ao sen nhỏ cùng những ngọn nến lung linh được thả trôi trong một không gian lãng đãng khói sương, bàng bạc ánh trăng, xung quanh là khán giả và những bạn bè thân thiết của nhạc sỹ. Váy đỏ, áo hồng cánh sen, Hồng Nhung hát như “lên đồng”, hóa thân trong từng lời ca, giai điệu đã khiến người tham dự nghẹn ngào. Một đêm nhạc huyền diệu của Bống, bạn bè và khán giả yêu nhạc Trịnh. Hồng Nhung đã mở ra một trang mới cho những thể hiện ca khúc về đời sống và thân phận con người của Trịnh Công Sơn, một mảng ca khúc mà ít khi được các ca sỹ hiện nay chọn để làm album nhạc Trịnh Công Sơn.

Sau Như cách vạc bay, Hồng Nhung còn ấp ủ thực hiện cùng nhạc sỹ Hoài Sa một album nhạc Trịnh Công Sơn với những “Ca khúc Da Vàng”. Ca khúc da vàng là một mảng ca khúc đem lại tên tuổi cho nhạc sỹ Trịnh Công Sơn trên thế giới, năm 1972 ca khúc “Ngủ đi con” từng đoạt “Đĩa hát vàng” tại Nhật Bản với số lượng phát hành lên tới trên 2 triệu bản. Chất giọng vừa sâu, vừa vang mãnh liệt với quãng rất rộng của Hồng Nhung rất phù hợp với các ca khúc da vàng như: Ngủ đi con, Người già và em bé, Xin mặt trời ngủ yên…

Người nghe thảng thốt khi lần đầu nghe Hồng Nhung hát “Ngủ đi con” trong đêm nhạc “Như một lời chia tay” (2001) và trong đêm nhạc “Đồng dao hòa bình” (2004) một lần nữa Hồng Nhung lại chìm đắm cảm xúc với “Ngủ đi con” trong ào dạt tiếng bom đạn, tiếng khóc trẻ thơ, nỗi đau của người mẹ “bao nhiêu năm, đàn con đi lính, đi rồi không về…” càng được lột tả mạnh mẽ qua những đoạn phiêu linh, ngẫu hứng của Hồng Nhung.

Hồng Nhung chia sẻ: “Trước đây nhạc sỹ Trịnh Công Sơn nói chuyện và giảng giải cho Hồng Nhung rất nhiều về những ca khúc Da Vàng, chở cả một sự rung động lớn của tâm hồn nhạy cảm trước chiến tranh, bom đạn, và những mất mát không có gì có thể thay thế được. Những tình ca đã mạnh mẽ bao nhiêu thì ca khúc Da Vàng lại càng quyết liệt hơn. Có rất nhiều ca khúc Da Vàng còn chưa được cho phép. Hy vọng sẽ thực hiện album trong một ngày gần nhất”.

Sau những chiêm nghiệm về tình yêu, đời sống, thân phận qua những ca khúc thuộc nhiều mảng trong kho tàng âm nhạc Trịnh Công Sơn. Năm 2009, Hồng Nhung đã hợp tác cùng Quang Dũng trong dự án album và live show song ca nhạc Trịnh Công Sơn mang tên “Có đâu bao giờ”, chất thiền và tinh thần yoga được lan tỏa trong từng ca khúc như lời tựa album: “Một buổi sáng tinh sương trong ánh nắng dịu dàng, qua khung cửa mộc, hai đứa trẻ ngồi bên nhau. Có âm thanh thánh thót của tiếng nhạc đâu đó ở xung quanh, hay đang vang lên trong chính hai trái tim nhỏ bé này”. Họ hát hồn nhiên như hai người bạn tuổi thơ: “Tôi như trẻ nhỏ, ngồi bên hiên nhà, chờ xem thế kỷ tàn phai…”, ngây thơ, hồn nhiên trong sự từng trải.

Hoài Sa đã lựa chọn phong cách âm nhạc New Age cho album và live show Có đâu bao giờ, những ca khúc quen thuộc được tạo không khí mới, hiện đại và tình cảm qua hòa âm, phối khí và cách thể hiện, sự đầm ấm của Quang Dũng và kết hợp với sự bay bổng, nữ tính của Hồng Nhung đã đem lại những xúc rất cảm mới cho âm nhạc Trịnh Công Sơn.

Có người ví nhạc Trịnh như một dòng chảy trong đời sống văn hóa Việt. Hát nhạc Trịnh không khó vì các nốt nhạc rất giản dị, ai cũng có thể ngân nga những ca khúc mình yêu thích, nhưng hát để nhiều người thấy hay và lột tả đúng tinh thần của nhạc Trịnh Công Sơn không dễ. Khánh Ly và Hồng Nhung là ca sỹ có chất giọng phù hợp và bao quát được biên độ rộng nhất các mảng ca khúc trong kho tàng nhạc Trịnh.

Khánh Ly và Hồng Nhung được coi là hai đỉnh cao thể hiện nhạc Trịnh có linh hồn. Năm 1967, Khánh Ly tròn 22 tuổi, cô từ Đà Lạt về Sài Gòn và đi hát với nhạc sỹ Trịnh Công Sơn trong khoảng 9 năm, đến năm 1975 cô qua Mỹ định cư. Hồng Nhung cũng bắt đầu đến với nhạc Trịnh Công Sơn ở tuổi 22 (năm 1992) và được sự tận tình, chỉ dạy của nhạc sỹ trong khoảng 10 năm cho đến 2001 khi nhạc sỹ mất.. Cả hai cô đều là người Hà Nội. Khánh Ly đã có 43 năm hát nhạc Trịnh Công Sơn, còn Bống có 18 năm gắn bó với nhạc Trịnh.

Năm 2008, Khánh Ly và Hồng Nhung trong chương trình “Nỗi lòng người đi” (2008) đã song ca “Nhớ mùa thu Hà Nội” và cuộc trò chuyện thú vị, chân thành của hai thế hệ ca sỹ hát nhạc Trịnh cùng khán giả đã để lại những kỷ niệm đẹp trong lòng công chúng yêu nhạc. Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn từng chia sẻ, ông không viết về Huế nhưng gần như tất cả các ca khúc của ông đều mang hơi thở của Huế và hai ca sỹ hát thành công nhất nhạc của ông lại là hai cô gái Hà Thành như nhạc sỹ từng tâm sự: “Sau Khánh Ly tôi may mắn gặp được Hồng Nhung. Với ca khúc của tôi, Nhung có nhiều sự đồng cảm”.
Dường như cuộc gặp gỡ của nhạc Trịnh Công Sơn với hai giọng ca đặc biệt này là một mối lương duyên của định mệnh. Khánh Ly tâm sự: “Tiếng hát Hồng Nhung được ông yêu thích là chuyện tự nhiên. Hồng Nhung hát hay và cô còn cả tuổi trẻ trước mặt. Ông Trịnh chọn Hồng Nhung là đúng…Mong Hồng Nhung luôn nhớ tới ông và tiếp tục hát nhạc của ông Trịnh”.

Ca sỹ Mỹ Linh từng phát biểu: “Sau này tôi tránh làm album nhạc Trịnh. Tôi nghĩ mình không thể hát hay hơn Khánh Ly hay có thể hát hay hơn chị Bống được” nhưng nhạc Trịnh Công Sơn vẫn được các ca sỹ các thế hệ hát và ra album đều đặn, họ cũng có tìm tòi để tạo cá tính riêng . Bên cạnh những giọng hát có giá trị bền vững và đại chúng như Khánh Ly, Hồng Nhung, mỗi khán giả sẽ chọn cho mình người hát nhạc Trịnh hợp với cảm xúc và tâm tư nhất.

….Trịnh Công Sơn – Hồng Nhung: Không có em buồn vui với ai….

Hồng Nhung có 10 năm gắn bó với nhạc sỹ Trịnh Công Sơn như một người bạn nhỏ, một cô học trò, mối quan hệ thân thiết đặc biệt mà nhạc sỹ từng chia sẻ: “Hồng Nhung: Người quá gần gũi không biết phải gọi là ai ?”. Trong live show xuyên Việt “Hồng Nhung – Bống bồng ơi” (1997), nhạc sỹ đã có mặt ở hàng ghế khán giả để nghe Bống tâm sự về “câu chuyện cổ tích Bống bồng ơi” với ba ca khúc: Bồng bồng ơi, Bống không là Bống, Thuở Bống là người mà anh viết tặng riêng Bống. Lên sân khấu tặng hoa và anh chúc Bống rất giản dị và tình cảm: “Tôi chỉ có một lời nhắn nhủ, một lời chúc, đêm nay một đêm hạnh phúc nhất của Hồng Nhung và mong sẽ một đêm thành công giống như Hồng Nhung mơ ước”.

Đã có những ngày tháng tươi đẹp, chia sẻ buồn, vui của Bống và nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Năm 1995, Hồng Nhung và Trịnh Công Sơn được mời tham gia Hội thảo “Tuần Văn hóa Việt Nam” tại Osaka Nhật Bản. Họ đã có những cuộc phỏng vấn, những đêm biểu diễn nhạc Trịnh cho những khán giả ái mộ ở Nhật. Hồng Nhung nhớ lại: “Hồi ở Nhật Bản tôi đã thấy anh vui như trẻ nhỏ khi hai anh em leo được đến lưng chừng ngọn núi trong cái lạnh cắt da, để thấy sông, thấy rừng và cả mây nữa ở phía dưới”. Ngay sau đó một năm, Hồng Nhung là ca sỹ Việt Nam duy nhất được hãng truyền hình NHK (Nhật Bản) mời tham gia chương trình đặc biệt “Dream come true” – cùng 30 ngôi sao ca nhạc hàng đầu Châu Á diễn ra ở Tôkyo, Bống đã chọn ca khúc “Hạ trắng” của Trịnh Công Sơn để trình diễn.

Năm 1999, Đài NHK phát động cuộc thi viết thơ dành cho người khuyết tật ở 6 nước (Mỹ, Brazin, Pháp, Úc, Việt Nam, Nhật Bản). Năm 2000 trên cơ sở 100 bài thơ được chọn, minh họa thành 100 bức tranh, với chủ đề ''Một Trái Tim, Một Thế Giới'' được triển lãm trên Thế giới. Hồng Nhung và Trịnh Công Sơn cùng các nghệ sỹ và các cá nhân tiêu biểu trên các lĩnh vực đã vẽ tham gia vẽ tranh minh họa cho những bài thơ tiêu biểu.

Mỗi chuyến đi xa trở về, nhạc sỹ Trịnh Công Sơn luôn mua quà tặng người thân, trong đó có Bống. Anh từng dạy Bống làm món trứng tráng theo kiểu của anh, có cà chua, hành lá và không để trứng quá chín… hay chỉ Bống cách ăn mặc sao cho đẹp và nữ tính nhất. Hồng Nhung tâm sự: “ Anh lúc nào cũng nhẹ nhàng và chẳng nề hà trả lời tất cả những câu hỏi của tôi, nhiều khi là ngô nghê, về đời sống, về âm nhạc, hay về bất cứ điều gì dù nhỏ bé nhất. Tôi kể cho anh nghe những điều làm tôi buồn, những mất mát khi còn nhỏ. Anh chỉ ngồi lặng im. Và sự im lặng của anh làm tôi thấy được lắng nghe, được hiểu và được vỗ về... Anh cho tôi một miếng ngọc hình quả bí, bảo tôi đeo nó sẽ may mắn, vì quả bí hợp với tuổi tôi. Anh cho tôi thấy hạnh phúc thật giản đơn. Và anh là người đã làm cho tôi không cảm thấy xa lạ và bỡ ngỡ ngay những ngày đầu tiên sống ở Sài Gòn".

Nhạc sỹ Từ Huy từng viết ca khúc “Lang thang trong phòng” dành tặng riêng cho Bống và nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, có những niềm vui, nỗi buồn, sự chia tay, nuối tiếc trong bài hát. Bài hát đã được nhạc sỹ Từ Huy bí mật thu âm rồi đưa cho nhạc sỹ Trịnh Công Sơn nghe, anh đã rất bất ngờ. Ngay sau đêm cuối live show Như cánh vạc bay (13/5/2006), Hồng Nhung lại tham gia “Con đường âm nhạc” của nhạc sỹ Từ Huy (14/5/2006) và Bống đã hát lại ca khúc đó trong niềm xúc động dâng trào.

…. Trịnh Công Sơn - Người ra đi để tình yêu ở lại….

Trong một bài viết năm 1996 nhạc sỹ Trịnh Công Sơn tâm sự: “Hôm qua gặp nhau đấy, ngày mai lại mất nhau…Một buổi sáng cách đây 4 năm, lúc tôi đang ngồi uống rượu với bạn, mẹ tôi bảo: “Má đi chơi một chút nghe”. Thế rồi một giờ sau tôi nhận được điện thoại báo tin mẹ tôi đã mất tại nhà người bạn”. Vì thế, Hồng Nhung nhớ mãi lời nhạc sỹ dặn dò: “Có một điều anh dạy đã trở thành điều nằm lòng đối với tôi, ấy là điều anh hay nhắc đi, nhắc lại: Nếu sáng mai ra ngoài ngõ có gặp ai dù lạ, vẫy tay với mình, thì đừng bao giờ quên vẫy tay lại, vì ai biết được có thể người đó sẽ ra đi ngay sau đó mà không còn gặp lại”.

Lần cuối Bống gặp nhạc sỹ là trước chuyến lưu diễn ở Úc. Nhà báo Huỳnh Phi Long nhớ lại: "Lần cuối cùng tôi gặp anh Sơn là khoảng thời gian sau tết âm lịch năm 2001 (28/3/2001). Anh Sơn đã ốm nặng lắm rồi. Anh không tiếp khách và từ chối gặp phụ nữ. Nhưng khi Hồng Nhung đến chào để đi diễn ở Úc thì anh gặp. Hôm đó chúng tôi cùng ăn trưa. Tôi không nhớ anh Sơn đã nói gì hoặc có thể chúng tôi chẳng nói gì cả như những phút giây im lặng mà chúng tôi thường vẫn chia sẻ cùng nhau. Hồng Nhung đi được một ngày thì anh đau nặng phải vô bệnh viện. Đến 12h45p ngày chủ nhật 1/4/2001 thì Trịnh Công Sơn mất. Lúc đó Hồng Nhung đang ở Úc vội bay về dự đám tang…”.

Ngày xưa, mỗi lần có chuyện buồn, những lời đồn thổi, thị phi, Hồng Nhung luôn gọi điện cho nhạc sỹ và anh luôn động viên, an ủi Bống bằng câu quen thuộc:“Thôi kệ, Bống ơi!. Tự mình biết riêng mình và ta biết riêng ta”. Bống chia sẻ: “Anh đã hướng cho tôi cách sống mà tôi sẽ giữ gìn, chẳng bao giờ thay đổi….Người ra đi để tình yêu ở lại…Cảm ơn định mệnh đã cho tôi gặp anh….Anh đã chỉ cho tôi rằng hạnh phúc là khi sống thật với cảm xúc của mình, yêu thương và nâng niu những điều đẹp đẽ. Và điều đẹp nhất trên đời chính là con người và sự cần có nhau trong đời sống”. Trịnh Công Sơn rời xa “cõi tạm” nhưng âm nhạc và nhân cách của một nhạc sỹ thiên tài vẫn còn sống mãi trong hàng triệu trái tim người yêu nhạc Việt Nam.

Âm nhạc của Trịnh Công Sơn giống như một ngôi nhà lớn để Bống tìm về mỗi khi vui, buồn tìm nơi nương tựa, an ủi. Sau Như cánh vạc bay, khán giả và truyền thông hay gọi Bống là “diva nhạc Trịnh” như cách ghi nhận những đóng góp và thành công của chị với dòng nhạc Trịnh Công Sơn và Bống sẽ vẫn hát những ca khúc của nhạc sỹ với phong cách chuyên nghiệp và tình cảm gửi đến khán giả yêu nhạc Trịnh Công Sơn.

Năm 15 tuổi, Bống đoạt tấm Huy chương vàng chuyên nghiệp đầu tiên trong sự nghiệp ca hát. Tài năng, đam mê, sáng tạo của Bống vẫn cháy bùng trong suốt 25 năm ca hát chuyên nghiệp đã qua, mỗi chặng đường của sự nghiệp Bống lại có thêm cộng sự là những người bạn, đồng nghiệp thân thiết cùng hợp tác để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật có giá trị. Hình ảnh Bống thời gian gần đây vẫn rất nữ tính nhưng thật mới mẻ, trẻ trung, sôi động, hiện đại như chính cuộc sống đời thường và dự án âm nhạc chị đang thực hiện. Với Bống, tất cả chỉ mới “bắt đầu từ ngày hôm qua” vì “cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”.

Mạnh Hải

Chú thích:Bài viết sử dụng nhiều nguồn tư liệu sách báo, hình ảnh, phỏng vấn về Trịnh Công Sơn, Hồng Nhung và các nghệ sỹ liên quan. Đây là kỳ đặc biệt, cũng là kỳ cuối trong loạt bài 5 kỳ về những người đồng hành, gắn bó cùng Hồng Nhung trong suốt 25 năm ca hát chuyên nghiệp.
NgocBlue
NgocBlue
Admin
Admin

Tổng số bài gửi : 901
Join date : 10/09/2009
Age : 37

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang


 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết