Nhà Bống
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Có một Mạnh Hải yêu Bống “cuồng tín” như thế (Tác giả: Đỗ Mạnh Hải) - GIẢI NHẤT

Go down

Có một Mạnh Hải yêu Bống “cuồng tín” như thế (Tác giả: Đỗ Mạnh Hải) - GIẢI NHẤT Empty Có một Mạnh Hải yêu Bống “cuồng tín” như thế (Tác giả: Đỗ Mạnh Hải) - GIẢI NHẤT

Bài gửi by Admin Sun Feb 06, 2011 1:06 am

* Bài dự thi đạt giải nhất Tôi viết về thần tượng của Đỗ Mạnh Hải (Tp.Thanh Hoá)
Tôi tự hào về chị, người tôi yêu quý, tin tưởng đã cho tôi động lực mạnh mẽ và những bài học quý giá trong cuộc sống, giúp tôi sống hết mình, hiệu quả.

Với bao ấp ủ cho bài dự thi ngay từ khi cuộc thi “Tôi viết về thần tượng” khởi động cách đây 2 tháng. Tôi lạch cạch với “Kho tư liệu Bống” và viết bài xong trong 3 tuần. Hoàn thành rồi để đấy vì có quá bài dự thi xuất sắc đã được đăng tải với văn phong chau chuốt, đầy xúc cảm. Bài viết của tôi lại quá giản dị, tình cảm lại đơn sơ . Chỉ còn một ngày nữa là hết hạn gửi bài, tôi mới quyết định gửi bài dự thi này để chia sẻ cùng mọi người và hưởng ứng cuộc thi đầy ý nghĩa này.

Mùa thu Hà Nội gắn với tôi như một kỷ niệm tuổi thơ không phai mờ: “Hà Nội mùa thu cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ nằm kề bên nhau…” . Hình ảnh cô ca sỹ răng khểnh với giọng hát nồng nàn, tình cảm hát “Nhớ mùa thu Hà Nội” trên vô tuyến đã làm một cậu bé 11 tuổi ngẩn ngơ như bị thôi miên. Từ đó, giọng hát Bống gắn bó mật thiết như một tất yếu không thể thiếu trong đời sống tinh thần của tôi suốt 13 năm qua. Mùa thu Hà Nội 2009, tôi đã bảo vệ thành công luận văn thạc sỹ ở Trường ĐHSP Hà Nội. Nhưng với tôi, chị Bống luôn là Trường đại học đặc biệt nhất.

… Câu chuyện về cá Bống và học nấu ăn …

Chương trình “Ai là triệu phú” của VTV3 từng hỏi người chơi: “Bống là nick name của ca sỹ nào sau đây?...”. Dường như cái tên dân gian “Bống” mà bà nội đặt cho chị Nhung đã trở thành một tên gọi thân thương để tất cả mọi người gọi: “Ca sỹ Bống Hồng Nhung”. Bà ngoại còn đặt cho chị nick name là “Sếu” do cô cháu gái có đôi “cẳng” dài. Hồi nhỏ, bà ngoại hay nấu món “Cá bống kho khô” mà đến giờ chị Bống vẫn muốn ăn vì: “Thịt cá bống rất thơm ngon”.

Năm lên lớp 9, tôi đọc báo “Hoa học trò” chị Bống chia sẻ: “Mình đã học nấu được món canh riêu cá miền Bắc rất ngon, đang chờ bố đi công tác về để trổ tài”. Tôi bắt đầu nhờ chị gái nhà bác dạy nấu món “Canh riêu cá” mà kết quả ai cũng tấm tắc khen ngay từ lần đầu, giờ nó cũng đã trở thành món tủ của tôi. Bên cạnh đó, món “Cá bống kho khô” tôi nấu với công thức khá đơn giản nhưng cực kỳ đậm đà, thơm ngon.

Nấu ăn là một sở thích của chị Bống khi rảnh rỗi. Chị Bống còn nấu được các món ăn bốn mùa và có “tài muối cà tài ba”. Mảnh vườn bé nhỏ trong “Khu vườn yên tĩnh” được chị trồng rất nhiều loại rau thơm, đặc biệt là rau thơm của Ý. Chị Bống cũng rất thích nấu món ăn Ý, chị thường học nấu ăn từ mẹ Mai (mẹ kế của chị) - mẹ cũng là người cố vấn về ẩm thực cho “Quán cà phê Grammy” của đạo diễn Đoàn Minh Tuấn mà món “Miến lươn” được đánh giá là “ngon tuyệt”.

Đã tròn 10 năm, chăm chỉ học tập kinh nghiệm và thực hành, tôi đã trở thành một đầu bếp tay nghề khá. Tôi tin đó sẽ là vũ khí để tôi có thể chinh phục bà mẹ vợ khó tính trong tương lai. Thật yên tâm khi con gái bà lấy được một người chồng có thể san sẻ công việc nhà. Nếu không có Bống tạo động lực thì chắc tôi bây giờ chỉ biết luộc trứng và cắm cơm. Tôi tự tin có thể nấu những món ăn ngon để đãi gia đình, bạn bè vào dịp đặc biệt.

Riêng hình ảnh cá Bống, nhạc sỹ Trịnh Công Sơn khi thiết kế card cho chị Nhung, đã vẽ hình hai con cá Bống lồng vào nhau. Xuất phát từ ý tưởng này, từ Album “Một ngày mới” chị Bống đã nhờ anh hoạ sỹ Nguyễn Thanh Trúc đưa hình cá Bống để làm logo.

Chị Bống lên 1 tuổi bố mẹ đã chia tay, chị Bống sống với bố và bà nội. Tuổi thơ không êm đềm, phần nào cũng góp phần hình thành cho chị đức tính cẩn thận, ngăn nắp và tự lập từ bé. Tôi may mắn có được bài báo “Hoạ mi của Hà Nội” (1984) mới biết chị Bống ngày nhỏ học rất giỏi. Năm 1983, Bống từng được bác Thủ tướng Phạm Văn Đồng khen tặng vì có thành tích xuất sắc trong học tập: Liên tục 7 năm là học sinh giỏi. Ngoài ra, 3 năm liên tiếp 1982,1983,1984 giành giải nhất (Giải A)“ Liên hoan giọng hát học sinh Thủ đô”.

Chị Bống lớn lên với sự chăm sóc, dạy dỗ của bố Lê Văn Viện (Một dịch giả uy tín) và những người bạn thân thiết của bố như: GS Từ Chi, GS Trần Quốc Vượng, nhạc sỹ Hồng Đăng… Ngày học phổ thông, năm nào chị Bống cũng được đi thi học sinh giỏi văn. Ông ngoại của chị Bống là GS ngôn ngữ học Đới Xuân Ninh, ông ngoại là hoạ sỹ Lê Văn Ngoạn. Ông ngoại chị Bống từng làm hiệu trưởng trường THPT chuyên Lam Sơn (Thanh Hoá) nơi tôi học cấp 3. Sau này ông chuyển công tác ra ĐHSP Hà Nội lại cũng chính là nơi tôi học cao học.

Nhạc sỹ Dương Thụ từng tâm sự: “Nhung có một chất giọng trời phú kết hợp với nội tâm của một con người hiện đại và mặt bằng văn hoá vào loại tốt nhất so với các ca sỹ cùng lứa”. Chuyện ít ai biết, năm 19 tuổi mẹ chị từng làm thủ tục cho chị đi xuất khẩu lao động ở Tiệp Khắc nhưng rồi niềm say mê ca hát đã níu kéo chị ở lại. Năm 20 tuổi vào Sài Gòn, khi chưa có nhiều điểm diễn, chị đi học đại học và tốt nghiệp khoa Anh - Đại học KHXH NV TP. HCM. Chị Bống đã phải cố gắng học tập thật nhiều để xứng đáng với sự tin tưởng của bố Viện “mong muốn con gái không mang cái đầu rỗng không đi hát”.

Năm 1985, Bống gầy guộc, đen đủi và nhỏ bé, đến nỗi khi chị xuất hiện trong “Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc” tại Hải Phòng, có tiếng xì xào đòi đuổi xuống. Thế rồi, sự cô đơn và tủi thân đã khiến chị hát “Papa” và “Diều ơi cho em bay”(Nguyễn Cường) với một cảm xúc mãnh liệt khiến cả khán phòng nhạt nhoà trong nước mắt và tiếng vỗ tay vang lên như sấm. Ban giám khảo đã phải trao “Huy chương vàng” cho cô bé mới 15 tuổi, nhạc sỹ Nguyễn Cường và Dương Thụ luôn nhắc đến kỷ niệm đẹp này. Không ngừng học tập và vươn lên, chị Bống lại liên tiếp đoạt nhiều giải thưởng chuyên nghiệp khác như: Giải nhất giọng hát hay Hà Nội (17 tuổi), Giải nhất đơn ca nhạc nhẹ toàn quốc (20 tuổi). Có nhìn lại chặng đường đã đi của chị Bống mới thấy được sự kiên cường của cô Bống nhỏ bé.

Ca sỹ Hồ Ngọc Hà từng gọi Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh là những “Tượng đài nhạc nhẹ Việt Nam”. Hồng Nhung là một trường hợp đặc biệt, chị không có bất cứ bằng cấp nào về thanh nhạc chính quy ở trường lớp nhưng tất cả các giải thưởng chuyên nghiệp trong nghề hát của chị đều đoạt “Giải nhất”. Tấm gương về “tự học” và thành công của chị, để lại cho nhiều ca sỹ trẻ những bài học quý giá, Hà Anh Tuấn là một minh chứng sinh động. Những năm gần đây, chị còn tham gia những khoá học ở Anh, Mỹ về: Nhạc kịch, thanh nhạc, đạo diễn truyền hình… Chị Bống tâm sự: “Em thấy không, những tia nắng đẹp này đã xuyên qua bao nhiêu làn mây mới đến được khu vườn chị…”. Để có được thành công và vị trí như ngày nay chị đã phải trải qua nhiều chông gai và thử thách.

Chị từng chia sẻ: “Cần hiểu rõ khả năng của bản thân, chăm chỉ học tập, làm việc để phát triển và hoàn thiện khả năng đó”. Tôi coi đó như một bài học có tính định hướng quan trọng cho bản thân mình. Sự khéo léo, giỏi giao tiếp của chị Bống có được là nhờ sự tích luỹ tri thức, vốn sống để xây dựng cho bản thân một phông văn hoá nền tốt nhất. Với tài năng ca hát, khả năng giao tiếp tốt bằng tiếng Anh mà chị đã chinh phục hoàn toàn đạo diễn Mỹ Philip Noyce để được chọn là ca sỹ hát chính trong bộ phim “Người Mỹ trầm lặng”. Cũng nhờ vào tài “yến oanh” của mình mà nhạc sỹ Fred Amstrong (3 lần đoạt giải oscar) đã quyết định viết tặng chị bài hát “Another to live” trong quá trình thu âm tại Scotlen phần nhạc cho phim. Đến nay, chị là ca sỹ Việt Nam duy nhất được hát chính cho một bộ phim của điện ảnh Mỹ.

Cái sự “khéo quá” đôi khi chưa hẳn làm hài lòng nhiều người nhưng nó đã trở thành phần tính cách của Bống và tôi luôn nể phục chị vì điều này. Ca sỹ Lam Trường từng chia sẻ: “Hồng Nhung là một phụ nữ đẹp về tri thức. Diễn nôm là một nét đẹp dịu dàng, thông minh, hóm hỉnh, đôi khi máu hài tràn ngập”.

Trải qua nhiều buồn vui, thăng trầm trong nghề hát và đời sống riêng tư nhưng chị luôn lạc quan, vui tươi, hồn nhiên với bạn bè và mọi người xung quanh. Tôi học ở chị sự vị tha và không nói xấu người khác. Có một MC nói với tôi: “Em ngày càng giống Bống, ít chê cái gì bao giờ”. Tôi luôn cố gắng tìm thấy điểm mạnh, điểm tốt của mọi người để khen ngợi, nếu cần góp ý tôi sẽ gửi tin nhắn hoặc gặp trực tiếp. Bài học về ứng xử vô giá mà tôi học được từ chị.

Chị Bống mê nhất là giầy rồi mới đến váy. Tủ giầy nhà chị Bống chỉ khoảng 50 đôi nhưng theo chị “Mỗi đôi giầy là một tác phẩm nghệ thuật”. Chị Bống là một trong những nghệ sỹ Việt có “gu” thời trang nhất, chị luôn ăn mặc đẹp và mốt. Dáng người nhỏ bé nên chọn trang phục đối với chị Bống không dễ như những người mẫu (Chị Bống cao 1,53 m). Người bạn thiết kế người Pháp Valerie McKenzie đã giúp chị có những bộ trang phục hợp đẹp, sang trọng và gợi cảm. Nhiều khi đi shopping thấy quần áo đẹp quá, chị Bống mua về sửa nát mà vẫn không mặc được. Chị cũng là nghệ sỹ đầu tiên ở được Báo Mốt trao giải “Nghệ sỹ mốt nhất 1999”. Chị Bống chia sẻ: “Tôi quan niệm quần áo phải thể hiện được cái tôi. Mốt với tôi đó là sự phù hợp. Khi một người mặc phù hợp với tính cách, vóc dáng cũng như phù hợp với công việc mình đang làm, với nơi mình đến thì đó là mốt”.

Bao năm qua, chị Bống vẫn để duy nhất một mái tóc đen dài. Theo tiết lộ, chị ấy đã nghe lời rủ rê của bạn bè và một lần duy nhất đã đi nhuộm tóc màu sáng nhưng về cảm thấy không hợp nên ra ngay nhuộm lại như cũ. Chị Bống còn cực kỳ nổi tiếng với “2 chiếc răng khểnh” xinh và duyên. Theo tư vấn của bác sỹ về thẩm mỹ sau này, chị Bống đã quyết định “Chia tay hoàng hôn” với răng khểnh. Sau 2 năm “niềng răng” với bao “đau đớn”, thậm chí Bống đã phải nghỉ hát một thời gian. Giờ Bống đã có một hàm răng khoẻ mạnh, đều như hạt na, khuôn mặt trở nên cân đối và trông chị trẻ hơn.

Ngoài đời, chị Bống sống tương đối điều độ, làm việc khoa học và đam mê thể thao. Yoga trở thành niềm đam mê của chị Bống, nó giúp chị có được vẻ đẹp khoẻ mạnh cả về tinh thần và thể chất, từng được báo chí ngợi ca là Diva có “Vẻ trẻ trung xuyên thời gian”. Đã thích là chơi, Hồng Nhung chơi rất nhiều môn thể thao, nó mang lại cho chị những trải nghiệm tuyệt vời: Từ Bơi, chạy, đánh golf, xe đạp, leo núi …đến “Quyền anh”…Nhìn hình ảnh chị Bống bé nhỏ tập “Quyền anh”, bạn mới thấy hết được nghị lực, niềm đam mê thể thao của Bống.

Năm 17 tuổi chị Bống thường bị bố trêu: “Người ta 17 tuổi bẻ gãy sừng trâu, con bé này, có lẽ chỉ bẻ gãy sừng con dán” . Lúc ấy, chị Bống chỉ nặng 37 cân, giờ đã tăng lên 43 cân, theo chị đó là: “một thành quả vĩ đại”. Nhỏ nhắn và nhanh nhẹ như chú chim sâu, cường độ làm việc của chị ít có ca sỹ trẻ nào theo kịp. Ngay việc tập thể dục, chị Bống khá kỷ luật và kiên trì, những chuyến lưu diễn nước ngoài chị cũng mang theo thảm để tập yoga hàng ngày. Tinh thần yoga từng được chị thể hiện thật đằm thắm, nhẹ nhàng và sâu sắc trong Album “Khu vườn yên tĩnh” và “Có đâu bao giờ”. Tư duy và thẩm mỹ âm nhạc của chị cũng luôn vận động theo cuộc sống riêng và xu hướng âm nhạc quốc tế. Năm 2010, Bống hứa hẹn sẽ thật khác lạ trong “Dự án nhạc electronic” hợp tác cùng Quốc Trung, với một hình ảnh mới: mạnh mẽ, sôi động, trẻ trung nhưng vẫn là chính Bống .

Chị Bống chia sẻ: “Tôi là người phụ nữ từng đi du lịch rất nhiều. Tôi là người theo chủ nghĩa quốc tế và không phải là người bảo thủ. Nhưng tôi biết, vẻ đẹp thực sự của tôi chính là làm bật vẻ đẹp tự nhiên của người Việt Nam”. Bước vào nhà chị, khách đến thăm đều thốt lên: “Nhà này đúng là nhà Hồng Nhung” bởi không gian sống đậm chất Á Đông. Hồng Nhung với hình ảnh một “Người đàn bà hát Á Đông” nhỏ bé, nữ tính và mong manh trong những tình khúc Trịnh Công Sơn, Phú Quang, Dương Thụ, Lã Văn Cường…đã để lại những dấu son ám ảnh khó phai trong nhiều thế hệ người nghe nhạc Việt.

Tôi như một “tín đồ” của Bống. Để rồi không chỉ người thân mà ngay những đồng nghiệp của bố mẹ cũng biết niềm đam mê của tôi từ nhỏ. Có một dạo bố tôi có một cô thư ký tên là Hồng Nhung, và các chú Công ty đến nhà chơi cứ đùa: “Hồng Nhung của bố, Hồng Nhung của con”. Gần nhất là Tết 2008, với số tiền mừng tuổi 2 triệu đồng, tôi đã đi rửa 10 bức ảnh lớn của Bống và mua khung bày khắp nhà. Bố tôi mỉm cười, thốt lên nhẹ nhàng đến nao lòng: “Con ơi, chỉ có lãnh tụ xã hội người ta mới làm thế”, vốn tinh nghịch tôi đùa lại: “Chị Bống là lãnh tụ đời con đấy bố”.

Những chuyến đi du lịch và thực tế, khắp từ Bắc vào Nam ưu tiên số 1 của tôi là dành cho việc sưu tầm băng đĩa Hồng Nhung. Giờ bộ sưu tập của tôi khá phong phú từ báo chí, hình ảnh đến băng đĩa. Có một kỷ niệm tôi nhớ nhất khi mua được băng gốc “Sao anh không đến” (1991) và “Bống bồng ơi” (1993) từ bộ sưu tập của một chủ cửa hàng băng ở Đà Nẵng. Mọi sự thuyết phục của tôi đều vô vọng, mỗi tuần tôi đến 2 lần, ông chủ bảo: “Hai album này là vô giá nên chú không bán, cháu cần chú sao cho một bản”. Sau một tháng kiên trì, cảm động trước tình cảm chân thành của tôi, cô vợ chú cũng đã giúp tôi có được 2 album này với giá gấp đôi thông thường.

Tôi đã tặng rất nhiều album của Bống cho người hâm mộ trên toàn quốc. Đó là niềm vui của tôi khi có thêm một người yêu Bống như mình. Gần đây nhất, tôi đi Huế 3 ngày chỉ để mua bằng được Vol 3 “Bài hát ru cho anh” và Vol 4 “Ru tình” để tặng một fan Bống.

Khi các mạng xã hội bùng nổ ở Việt Nam là lúc tôi bắt tay vào làm Blog dành cho Bống. Với mong muốn hình ảnh, thông tin âm nhạc Bống đến được đông đảo nhất người hâm mộ. Đến nay, tôi đã có 6 Blog dành riêng cho Bống. Làm Blog cho Bống là khoảng thời gian thư giãn và giải trí tuyệt vời của tôi. Khi thiếu bài để đăng, tôi tự biến mình thành một “nhà báo bất tắc dĩ”. Qua Blog dành cho Bống, tôi đã gặp được rất nhiều người đặc biệt và thực sự xúc động với những chia sẻ của mọi người. Cô Uyên, người từng bế chị Bống hồi nhỏ xíu cũng chia sẻ những kỷ niệm rất cảm động khi vô tình vào Blog của tôi.

Nhiều fan ở trong và ngoài nước thực sự rất ngạc nhiên khi vào Blog của tôi. Có người vô cùng thích thú khi vào Blog được nghe lại nhiều bài hát tưởng chừng như không còn tìm thấy như: Papa, Đàn sếu, Cô bé vô tư, Hãy đến với em… Tôi đam mê Bống đến cỡ nào, có lẽ bạn phải ghé vào thăm những Blog của tôi dành cho Bống vì “mảnh vườn” dành cho một bài dự thi không quá thênh thang dù không giới hạn. Tôi cũng đã kịp xây dựng một “Tiểu sử âm nhạc Hồng Nhung” tương đối đầy đủ cho Bống trên “Từ điển bách khoa mở rộng”.

Trong một bức thư gửi Bống gần đây, tôi có tâm sự: “Chị em mình chưa gặp nhau nói chuyện bao giờ, nhưng suốt 13 năm qua chị như một người chị, người bạn thân thiết nhất của em… Mỗi chúng ta dù ở vị trí, vai trò nào cũng đều có những giá trị riêng. Em luôn ý thức được sự hạn hữu của một đời người, như chị hay nói “cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”, mỗi câu nói của chị đều có sức mạnh tác động với em. Khi có chuyện buồn em lại lấy đó làm niềm chia sẻ, động viên bản thân. Cảm ơn chị vì tất cả những gì chị đã đem lại cho em. Em luôn thầm cảm ơn cuộc đời đã cho em một thần tượng tuyệt vời thế, không chỉ giọng ca quyến rũ mà còn cả nhân cách đáng trọng.”

Tôi không ảo tưởng về một “thần tượng” hoàn hảo nhưng tôi tự hào về chị, người tôi yêu quý, tin tưởng đã cho tôi động lực mạnh mẽ và những bài học quý giá trong cuộc sống, giúp tôi sống hết mình, hiệu quả với những năm tháng đã qua và cả sau này. Cảm ơn Ban tổ chức cuộc thi “Tôi viết về thần tượng” đã cho tôi có cơ hội hiếm hoi được chia sẻ tình cảm chân thành của mình dành cho thần tượng đến với tất cả mọi người.

Admin
Admin
Admin

Tổng số bài gửi : 38
Join date : 08/09/2009

https://nhabong.forumvi.com

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết